Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2022

THUẬT PHÂN THÂN 2 | LAM NGỌC

 Trong “Câu chuyện có thật về luân hồi: Thuật phân thân, tôi đã nói đến một lần đồng thời chuyển sinh thành hai người; nghe thì có phần phức tạp, kỳ thực, trong lịch sử phân thân chuyển sinh của tôi thì lần đó vẫn chưa phải là lần phức tạp nhất. Lần phức tạp nhất, có thể nói là điều mà chư Thần đắc ý tự hào, tôi xin kể lại với mọi người.

Vào đầu triều Minh, tôi từng là đại tướng quân Lam Ngọc, vì sự vững bền của giang sơn Đại Minh mà lập nên chiến công oanh liệt, về sau lại bị Chu Nguyên Chương tru sát diệt tộc. Sau khi Lam Ngọc chết, nguyên thần bay lên như làn khói, lững thững bay đi trong không trung, nhất thời không biết đi đâu. Bỗng nhiên có một chiếc kiệu đằng trước đi tới, trước sau có hai người khiêng kiệu; người khiêng kiệu đi trước mặc quần áo màu trắng, nhìn không thấy mặt; người phía sau mặc quần áo màu đen, cũng không nhìn thấy mặt; đi bên cạnh kiệu là một người mang dáng vẻ của một quan sai, mặc quần áo màu tím.

Lam Ngọc nghĩ, phải chăng là đã gặp Hắc Bạch Vô Thường, liền ngạc nhiên hỏi, chiếc kiệu đến trước mặt rồi dừng lại. Người mặc áo tím cúi người thi lễ, nói: “Có phải là Lam Ngọc tướng quân? Địa Quân có lời mời ngài.” Lam Ngọc gật đầu. Người mặc áo tím mời Lam Ngọc lên kiệu. Chiếc kiệu nhẹ nhàng bay lên, không lâu sau thì đã đến địa phủ.  Trên đường đi Lam Ngọc chốc chốc lại vén rèm kiệu lên quan sát, nhìn thấy cầu Nại Hà, Sầu Đình, Khổ Phường, v.v. đường đi ngoằn ngoèo, cuối cùng cũng đến điện Diêm La. Diêm Vương đối với Lam Ngọc có phần kính trọng, mời Lam Ngọc ngồi xuống. Diêm Vương nói: “Cổ ngữ có câu: ‘Oan có đầu, nợ có chủ’, tất cả rồi sẽ có ngày được bù đắp trở lại, Tinh chủ hà tất phải lo lắng.” Lam Ngọc hỏi: “Duyên cớ gì mà ngài lại gọi tôi là Tinh chủ?” Diêm Vương cười nói: “Ngài chưa nghe câu ‘Thiên thượng nhất tinh vẫn, địa thượng nhất nhân vong’ (Trên trời có một ngôi sao rơi thì dưới đất sẽ có một người chết) sao, con người đối ứng với mỗi ngôi sao trên trời, những ngôi sao sáng trên bầu trời luôn có một ngôi là ngài.”

Nói dứt, Diêm Vương gọi người dẫn Lam Ngọc đến chỗ nghỉ ngơi, rồi lại đi xử lý công vụ. Người quản lý sổ sách đến gặp Lam Ngọc, đây là người quen của Lam Ngọc, chính là bố vợ của Lam Ngọc – Ninh Thân Quốc. Ông lão nói, bởi vì ta hay làm việc thiện, tích được đức lớn, sau khi chết được giữ lại làm sổ sách dưới âm gian. Năm nay, trong sự ngắn ngủi giữa sự sống và cái chết nhìn thấy tên con gái và con rể, trong lòng thương xót cho vận mệnh của gia đình con gái, ta mới thỉnh cầu Diêm Vương: có thể cho con gái sống thêm một quãng thời gian không? Diêm Vương nói: “Không thể, những người sau khi chết, lập tức sẽ có an bài khác, huống hồ Lam Thị đã để lại cốt nhục rồi, ngươi không phải lo lắng.” Thế rồi ông lão không nói thêm nữa. Lần này biết được Lam Ngọc đến, ông liền đến nói chuyện với Lam Ngọc. Nói về vấn đề sống chết của con người, ông lão nói: “Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên, có quỷ Thần nắm quyền sinh tử, mà mọi chuyện đều có quan hệ nhân duyên, dương gian có câu: ‘Diêm Vương muốn ai đến canh ba chết, người đó không sống được đến canh năm.’” Lam Ngọc hỏi ông lão về nguồn gốc ân oán giữa mình và Chu Nguyên Chương. Ông lão nói: “Từ xưa đến nay, oan oan tương báo, cho nên anh cũng không cần quá so đo tính toán. Là người bề tôi, anh cũng có chỗ sai, quá hống hách ngang ngược”. Lam Ngọc không nói lời nào.

Ông lão dẫn Lam Ngọc đi khắp nơi, Lam Ngọc thấy các quan sai nơi âm gian quả là bận rộn. Đứng ở một nơi cao, Lam Ngọc nhìn thấy quan sai mặc áo tím đang dẫn một người đi đến chỗ mình vừa đi qua; lại nhìn thấy quan sai mặc áo trắng dẫn người đi nơi khác; còn thấy đầu trâu mặt ngựa đang đeo thêm xiềng xích lên người phạm nhân, rồi đi chỗ khác. Lam Ngọc thắc mắc hỏi ông lão, tại sao những người này lại không đi đến cùng một chỗ. Ông lão nói: “Đây là thiên cơ, không thể tiết lộ, song ta có thể không ngần ngại mà nói cho anh. Những người đến đây, thứ bậc có cao có thấp, điện Diêm La có ba chỗ đợi họ, người có phẩm chất tốt do quan sai mặc áo tím dẫn đi, vào tầng trên của điện gặp Diêm Vương, có chỗ ngồi ở dưới thấp. Người thuộc hạng nhì do quan sai mặc áo trắng dẫn đi, vì khi sống chuyên làm việc đại ác nên vào tầng giữa của điện; người thuộc hạng thứ ba, là tội nhân, do đầu trâu mặt ngựa đi bắt, chân tay bị đeo gông, đưa vào tầng thấp nhất của điện, các hình phạt của tiểu quỷ đang chờ đợi họ, và họ phải đợi Diêm Vương xét tội. Đúng là:

Người đến đều là khách,
Có khách chẳng tầm thường;
Áo tím nghênh thượng khách,
Áo trắng đón tầm thường;
Kẻ đại tội hiện rõ,
Đầu trâu mặt ngựa mang.”

Lam Ngọc hỏi: “Có thể không đi qua điện Diêm La, mà trực tiếp đợi an bài chăng?” Ông lão nói: “Có, người có lai lịch to lớn, lúc ở thế gian chưa có sai lầm lớn, Thiên Đình phái người cùng Diêm Vương kiểm tra lý lịch hồ sơ của người đó, trên trời và âm gian đã có nơi cho người đó đi đến rồi, sau khi chết được lên thẳng trên Thiên Đình, đợi an bài chuyển sinh.”

Ở địa phủ đợi một ngày, thì trên Thiên Đình có người đến đón Lam Ngọc đi.

Trên Thiên Đình Lam Ngọc gặp Chuyển Sinh Thần quân, lúc đó Chuyển Sinh Thần quân đang cùng bốn vị Thần đứng đối diện một cái đĩa chuyển động (đĩa chuyển động định đời người), thương lượng nghiên cứu, ngữ khí và thái độ nghiêm túc mà trang nghiêm. Lam Ngọc cũng chẳng biết họ đang thương lượng chuyện gì, một mình thưởng thức cảnh sắc nơi Thiên Thượng. Được một lúc, Chuyển Sinh Thần quân tỏ vẻ nhẹ nhõm, như trút được gánh nặng, liền nói với Lam Ngọc: “Lần chuyển sinh này của anh cực kỳ phiền phức, đã an bài xong rồi, để ta dẫn anh đến chỗ Phân Thần Sứ quân.”

Vì để những sự việc nơi nhân gian được an bài hợp lý hơn, hoàn mỹ hơn, không xuất hiện sai sót, có lúc rất nhiều vị Thần đều chung tay an bài. Lần chuyển sinh đó của Lam Ngọc, chính là việc đắc ý nhất của năm vị Thần Tiên; sau khi an bài thỏa đáng rồi, mấy vị Thần Tiên đều có một cảm giác nhẹ nhõm và vừa ý.

Lần này, Lam Ngọc được Phân Thần Sứ quân phân làm năm phần, năm phần phân thân đồng thời chuyển sinh cùng một đời. Lần chuyển sinh phiền phức này của Lam Ngọc, không những cần phân thân chuyển sinh, mà một phân thân chuyển sinh lại phải liên hoàn chuyển sinh. Một phân thân lại phải liên hoàn chuyển sinh như thế nào? Hãy nghe tôi kể một cách tỉ mỉ.

Phân thân thứ nhất của Lam Ngọc sinh năm 1396 tại Lệ Giang tỉnh Vân Nam, tên là Phương Thiếu Bình, thuộc gia đình giàu có, thông minh lanh lợi; lúc 50 tuổi, ông nhất tâm xuất gia, gia đình không ngăn cản được; tại một ngôi chùa ở Lệ Giang có tên là Ô Long Tự, Phương Thiếu Bình đã xuất gia tu hành, Pháp hiệu là Huệ Trì, tu hành tinh tấn, sau trở thành trụ trì của chùa.

Vị Huệ Trì hòa thượng này, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, mỗi khi kỳ nhân dị loại đến tìm ông, ông đều chỉ điểm những chỗ khúc mắc sai lầm hoặc khuyến thiện họ; ông sống đến 136 tuổi, tích được công đức vô lượng, kết vô số thiện duyên.

Huệ Trì có thể dùng thảo dược hoặc những thứ thuật loại cho đến công năng tu xuất được để chữa trị những chứng bệnh khó chữa. Một vài ví dụ như:

Một lần, có một cô gái trẻ, một mắt bỗng nhiên nhìn không rõ gì cả, được người nhà dẫn đến cầu Huệ Trì giúp. Huệ Trì nhìn ra ngay, thấy cô từng soi gương trang điểm, tâm tư vọng động, con ngươi trong mắt bị Tà Ác Đồng Thần lang thang gạch đi. Huệ Trì nói với cô ấy, mỗi ngày cần ở trong căn phòng yên tĩnh khấu bái, tĩnh tâm niệm Phật, kiểm điểm bản thân, không được động vọng niệm, sau một trăm ngày ắt sẽ khỏi bệnh. Sau khi về nhà, cô gái làm theo như lời hòa thượng nói, mắt khôi phục lại bình thường, vội đến cảm tạ Huệ Trì.

Một thiếu niên chăn bò, đột nhiên không thể nói được, được người nhà dẫn đến. Huệ Trì vẽ một cái cây, bảo người thiếu niên tìm đến cái cây này, quỳ bái trước cây xin khai ân; người thiếu niên làm theo, khấu bái xong có thể mở miệng nói được. Thì ra Huệ Trì đã dùng công năng nhìn thấy lúc cậu bé thả bò, đã tiểu vào cái cây, đúng lúc Lộ Thủy Nương Nương đang nghỉ ngơi bên trong cây, nên tức giận người thiếu niên kia bất kính với mình, và dùng giọt sương câm vẩy vào người thiếu niên một chút, làm cho thanh âm của cậu bị dính lại, từ đó không nói được nữa.

Có một người phụ nữ, bụng trương lên đã sáu tháng, đau đớn không chịu nổi, nghi là có thai, thực tế thì không phải, đại phu kiểm tra cũng không rõ nguyên nhân. Người nhà đưa cô đến tìm Huệ Trì, Huệ Trì cho cô uống rượu Hùng Hoàng, rồi tự mình lấy tay gõ cá gỗ, niệm: “Mau rời đi, mau rời đi, trong rừng chỉ có ngươi giữ được trai giới, chớ làm phiền nữ khách nơi trần thế, nhanh đi nhanh đi, chớ có lưu luyến.” Niệm được vài lần, phụ nữ kia há to miệng, làm giống như buồn nôn, một luồng ánh sáng màu xanh trong suốt từ trong miệng cô bay ra, trong màu xanh đó dường như ẩn chứa hình con rắn, bụng của cô nhanh chóng xẹp lại. Huệ Trì dặn dò cô nên chú ý trong việc ăn uống, chớ ăn thức ăn có mùi tanh.

Phân thân thứ hai, Phương Thành (1397-1452), người Đồng Thành tỉnh An Huy, là con nhà có học, năm 17 tuổi tham gia thi khoa cử, đi đến núi Cửu Hoa dâng hương, ở dưới chân núi làm quen được một người, thấy hợp ý nhau, người nọ khen người kia rồi kết bái làm huynh đệ. Khoa cử kết thúc, Phương Thành bị trượt, lúc đó 20 tuổi, nghĩa huynh mời Phương Thành đến nhà mình, Phương Thành đồng ý. Thì ra nghĩa huynh là một tay đạo tặc trong núi, Phương Thành bị dụ dỗ gia nhập cùng, và làm quân sư, sau chết vì bị quan binh vây kích.

Phân thân thứ ba, Lãnh Nương (1412-1438), tên thật là Ngọc Phương, người Giang Tây, năm 17 tuổi lấy chồng về nhà họ Lãnh. Chồng tên Lãnh Bình, Lãnh Bình lúc đầu ra vẻ rất tốt, sau một năm, Lãnh Nương mới biết Lãnh Bình hay chơi bời lêu lổng, không lo làm ăn. Sau khi có con, cũng không thấy thay đổi gì. Khi con được sáu tháng, Lãnh Bình đưa vợ con đi Nam Kinh nương nhờ nhà thân thích, kết quả về tay không. Lúc số tiền tài còn sót lại chẳng được là bao, đúng lúc gia đình giàu có Vương Minh ở Nam Kinh sinh được một đứa bé, cần tìm gấp một bà vú, có người giới thiệu, Lãnh Nương đến Vương Minh phủ làm ở đó. Lãnh Bình ở Vương Minh phủ lấy tiền công của Lãnh Nương, bế con bỏ đi mất. Lãnh Nương bế đứa bé tôn quý của nhà người khác, vô cùng nhớ con mình, hối hận vì đã đến Vương Minh phủ làm bà vú, nhưng lại không thể biểu lộ ra, không tránh được than ngắn thở dài, hay lấy tay áo gạt nước mắt, bị quản gia Bào Đinh nhìn thấy, từ đó Bào Đinh lúc nào cũng hỏi thăm ân cần, an ủi Lãnh Nương. Bào Đinh nhìn bề ngoài thì là chính nhân quân tử, nhưng thực chất là kẻ tiểu nhân bỉ ổi, thấy tướng mạo xinh đẹp khiến người khác yêu mến của Lãnh Nương, trong lòng hắn nảy sinh ý định bất lương, lời nói và cử chỉ luôn có ý mạo phạm. Lãnh Nương phát giác được, luôn giấu bên mình cây kéo để đề phòng Bào Đinh, làm hắn không dám dở trò. Đứa bé Vương Hoa Chương của Vương Minh phủ ngày một lớn, đối đãi với Lãnh Nương như mẹ ruột, trong lòng cô có chút an ủi. Nhưng cô vẫn không thấy tin tức gì của chồng và con trai, chỉ biết đêm đêm khấn bái Quan Âm cầu cho hai cha con bình an. Bào Đinh mặc dù đã có gia đình, nhưng lòng gian không bỏ. Khi Vương Hoa Chương đi học, Lãnh Nương cũng có thời gian nhàn rỗi, thường hay ở vườn hoa sau nhà ngắm cá dưới hồ nước; có một lần mải ngắm quá, không biết Bào Đinh lại gần. Bào Đinh chạy đến ôm Lãnh Nương, giở trò đồi bại; Lãnh Nương phản kháng kịch liệt, trong khi phản kháng lại vô tình rơi xuống hồ, trong lúc sợ hãi kêu lên, nước vào trong bụng không ít, cuối cùng bị chìm xuống và chết đuối.

Phân thân thứ tư, Tân Danh (1420-1488), là thợ rèn trong thành Bắc Kinh. “Tân Danh Thiết Lư” nổi tiếng gần xa, rèn binh khí, dụng cụ, v.v. người trong quan phủ cũng đến nhờ anh làm binh khí. Tân Danh tay nghề tinh xảo, tính tình phóng khoáng, từng rèn đoản đao và trường kiếm cho chỉ huy sứ cấm y vệ Bàng Trạch; rèn bội kiếm, nỏ liên hoàn nặng hai mươi cân, bệ sắt để Quan tinh bàn (dụng cụ quan sát các vì sao) cho Trịnh Hòa.

Phân thân thứ năm, Liên Hoàn Mệnh Oa. Thế nào là Liên Hoàn Mệnh Oa?  Là phân thân đó sau khi kết thúc một đời thì không ngừng lại, mà tiếp tục liên hoàn chuyển sinh bốn đời nữa. Đến khi phân thân thứ nhất Huệ Trì tọa hóa, Liên Hoàn Mệnh Oa cũng đã hoàn thành năm đời chuyển sinh.

Mệnh thứ nhất, Mậu Danh (1398-1431), phụ thân Mậu Công là phò tá cho Yến Vương phủ, vừa ở tục vừa theo Đạo, từng làm “Tĩnh nan chi dịch” chuyên bày mưu lược. Mậu Danh từ nhỏ cùng cha sống trong Vương phủ, thông minh phi thường, chịu ảnh hưởng của môi trường trong Vương phủ, sớm biết lễ tiết, rất tôn sùng Yến Vương và Yến Vương phi. Sau khi Yến Vương xưng đế, người của Yến Vương phủ đa số đều mưu tính để có chức quan nào đó, duy chỉ có Mậu Công không muốn làm quan, được Yến Vương hậu cho về quê, Mậu Công mời thầy dạy Mậu Danh. Mậu Danh học tập chăm chỉ, năm 18 tuổi thi đỗ tiến sĩ, sau làm quan trong bộ Lại. Vì là người chính trực, nên đắc tội với không ít người, sau bị người khác hãm hại, phiền muộn chán nản mà chết.

Mệnh thứ hai, Thu Hương (1431-1459), người Phúc Châu, tên thật là Vương Hạo Chi,  năm 7 tuổi cha mẹ đều qua đời, được người cậu nuôi dưỡng. Khi người cậu ra ngoài buôn bán, cô bị người mợ đem bán cho một kẻ buôn người; hắn mang cô đến Tô Châu, bán vào kỹ viện với giá cao. Tú bà ở đó đã mời người dạy cô thổi sáo đánh đàn ca hát và dạy chữ, đặt tên cô là Thu Hương, từ đó trở thành danh kỹ của Tô Châu. Sau được một thương gia giàu có ở Tô Châu để ý đến, cô được chuộc về làm vợ lẽ. Đại phu nhân lợi dụng lúc chồng không có nhà lập kế để cho Thu Hương làm vỡ đồ sứ quý giá, rồi lấy đó làm lý do thi hành gia pháp đối với cô, bắt cô quỳ trong thời gian lâu. Tiểu nha hoàn đứng bên cạnh cảm thấy tủi nhục thay cho Thu Hương. Sau khi chồng về, Thu Hương cũng không nói gì với chồng, mà trước sau vẫn lễ phép với đại phu nhân, cuối cùng đại phu nhân bị cảm hóa, bắt đầu đối tốt với cô. Thu Hương sinh được một nam một nữ, năm 38 tuổi sinh thêm nhưng chết vì khó sinh.

Mệnh thứ ba, Quách Danh Lan (1459-1483), là phi tần của Minh Hiến Tông, con gái của quan viên bộ Lại Quách Khai, năm 17 tuổi vào cung, năm 19 tuổi sinh được một con gái, sau được phong làm Huệ Phi. Năm 24 tuổi, cô chết vì bệnh cảm mạo vào đầu mùa thu.

Mệnh thứ tư, Raphael (1483-1520), một họa sỹ kiệt xuất người Italia thời kỳ văn nghệ Phục Hưng, còn được gọi là Họa Thánh, cùng với Leonardo da Vinci và Michelangelo được gọi là “Nghệ đàn tam kiệt”. Cha của Raphael là họa sỹ trong cung điện, Raphael từ bé đã thích xem cha vẽ tranh. Ông lúc xem cha vẽ tranh có một vẻ yên tĩnh khác thường, làm cha ông cảm thấy sợ hãi. Năm 7 tuổi, mẹ ông qua đời, Raphael chìm trong đau khổ. Cha ông nói với ông, mẹ con không chết, bà ấy đi đến một nơi khác, bà ấy vẫn đang sống, chỉ là chúng ta không nhìn thấy. Cách khuyên nhủ này đã làm giảm bớt sự đau khổ của Raphael. Khi nhớ mẹ, Raphael thường vẽ tranh mẹ. Năm 11 tuổi, cha Rapheal qua đời, Raphael được người bạn của cha mình chăm sóc và giúp đỡ, và hội họa đã trở thành một phần trong cuộc sống của Raphael. Năm 17 tuổi, tư duy của Raphael trở nên nhạy bén, có thể nắm bắt được một loại linh tính; ông tập trung tinh thần vào hội họa và suy nghĩ, có thể quên hết mọi thứ xung quanh. Vì Raphael vô cùng sùng bái và thành kính đối với Thần, nên ông có thể tiệm nhập vào những cảnh đẹp nơi Thiên Quốc; có lúc những hình ảnh hiện lên trước mắt, cảm giác mờ ảo, ông nhìn thấy Thiên Sứ, Đức Mẹ, và những cảnh tượng nơi Thiên Quốc. Nhìn thấy tất cả những cảnh tượng này làm cho tâm ông trở nên ấm áp và thanh bình hơn, ánh sáng của Thần dẫn lối làm cho các bức tranh của ông càng xuất chúng hơn.

Mệnh thứ năm, Tề Bảo (1520-1532), một người ăn mày ở thành Nam Kinh, là con riêng của tiểu thư một gia đình giàu có bị bỏ rơi.

Một buổi sáng, một kẻ ăn mày có tay phải bị tàn tật tên Tề Nhược Tân, phát hiện một cái tã lót ở một góc tường; anh ta chạy lại gần xem, thì nhìn thấy một đứa bé khoảng 6-7 tháng tuổi bị bỏ rơi. Tề Nhược Tân nhìn qua một cái rồi lắc đầu, quay người bỏ đi. Đi được một đoạn không xa, anh ta dừng bước, quay đầu lại nhìn, rồi lại nhìn lại chính mình, xong lại bỏ đi. Đi đến một chỗ quành, anh ta vẫn có gì đó không yên tâm, ngồi hẳn xuống, nhìn ra xa xa. Một lúc lâu, có vài người đi đến bên đứa bé, nhìn một cái rồi cũng lại bỏ đi. Tề Nhược Tân đột nhiên cảm thấy trong tâm giống như bị sợi dây buộc cứng lại vậy. Anh ta nghĩ, ta đau lòng thế này làm gì, chi bằng bế đứa bé đi, chứ chẳng may nó bị chó tha đi, chắc không qua nổi. Nghĩ vậy, anh ta liền nhanh chóng quay trở lại. Đi đến bên cạnh đứa bé, đứa bé không động đậy gì mà chỉ nhìn anh ta, cứ nhìn rồi đột nhiên tỏ ra vui sướng. Tề Nhược Tân trong tâm cũng vui mừng, nghĩ đúng là cái số ăn mày, đi theo ta nhé, thế nào thì ngươi cũng không chết đói đâu. Thế rồi anh ta mang đứa bé về, đặt tên cho nó là Tề Bảo. Mặc dù Tề Nhược Tân coi như đã chăm sóc bảo ban Tề Bảo, nhưng đi cùng một kẻ ăn mày, Tề Bảo vẫn phải nếm đủ mùi vị cơ cực. Thật không dễ mà lớn đến năm 20 tuổi, và một trận thương hàn đã lấy đi mệnh của Tề Bảo.

Sau khi Liên Hoàn Mệnh Oa kết thúc năm đời chuyển sinh, thì hợp thành một thể với bốn phân thân còn lại, tiếp tục đợi an bài hạ thế chuyển sinh.

Tôi còn biết được có đệ tử Đại Pháp một lần phân thân chuyển sinh thành bảy vai khác nhau, tại đây tôi không nói tỉ mỉ nữa. Viết ra những điều này, không chỉ là để chứng minh cho quá khứ của đệ tử Đại Pháp, mà còn càng khiến chúng ta trân quý hơn cơ duyên vạn cổ không dễ có được này, và đi tốt đoạn đường về sau của chúng ta.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/node/117043

THUẬT PHÂN THÂN 1 | SONG THÂN THẦN BÚT

 Hơn 200 năm trước, tại một tầng thứ nhất định trong Tam giới, tôi đang đợi để được an bài chuyển sinh.

Vị Thần phụ trách chuyển sinh (gọi là Chuyển Sinh Thần quân) nói với tôi: “Lần chuyển sinh này của con, cần dụng bút để lưu lại văn hóa cho nhân loại, đặt định cơ sở cho chứng thực Pháp sau này của con khi Đại Pháp hồng truyền. Lần này, con phải đồng thời chuyển sinh thành hai cá nhân, đến hai quốc gia khác nhau, dùng ngòi bút để hoàn thành sứ mệnh.” Tôi nghe xong kinh ngạc, nghĩ: vì sao phải chuyển sinh thành hai cá nhân? Thần biết được suy nghĩ của tôi bèn mỉm cười, nói: “Thần lực không gì là không thể”. Nói rồi dẫn tôi tới một đại điện nguy nga lộng lẫy; nhìn từ xa xa, tôi thấy trên đó đề ba chữ lớn—”Phân thần điện”.

Sau khi bước vào trong điện, một vị Thần tướng mạo lạ lùng xuất hiện trước mặt chúng tôi; vị Thần này đầu tỏa hào quang, hai bên đầu gồ ra, ở giữa là một chỗ lõm; hào quang trên đỉnh đầu rất nhanh biến thành các màu sắc: đỏ, cam, vàng, lục, lam, tím, không ngừng biến đổi như vậy. Thuận theo hào quang trên đầu mà các màu này không ngừng biến đổi; chỗ lồi trên đầu Thần cũng không ngừng biến hóa từ một đến bảy. Chuyển Sinh Thần quân nói với vị Thần này: “Phân Thần Sứ quân, anh ta đến rồi, xin hãy phân anh ta làm hai.” Chuyển Sinh Thần quân nói tiếp về một số việc cụ thể. Sau đó, Phân Thần Sứ quân đưa tôi đến một thiên điện. Thiên điện này bố trí kỳ lạ, trên nóc nhà là rất nhiều vật trong suốt với các loại hình dạng, giống như những nội tạng cơ thể người. Phân Thần Sứ quân để tôi đứng tại một vị trí, lúc ấy hào quang trên đầu Thần không còn biến hóa nữa, chỗ lồi trên đỉnh đầu cũng cố định là hai cái, không biến hóa nữa. Miệng Phân Thần Sứ quân lẩm nhẩm mấy từ; tôi cảm giác mình bị một vật trong suốt trụ cứng lại, thân thể mềm nhũn, lại nghe thấy Phân Thần Sứ quân nói lớn: “Phân”. Khi ấy tôi cảm thấy toàn bộ thân người mình nứt ra, ban đầu là hơi đau, sau rất đau đớn, cuối cùng nhẹ nhõm. Lại nghe thấy một tiếng “Khởi”, sự trói buộc của thân thể tan biến, rồi một “tôi” khác xuất hiện. Hai “tôi” này tướng mạo giống nhau, tư tưởng hoàn toàn tương đồng, thậm chí lời lẽ cử chỉ, cách động tay động chân cũng giống nhau. Hai “tôi” ngạc nhiên nhìn nhau, không hẹn mà nắm tay nhau, ánh mắt đầy kinh ngạc.

Phân Thần Sứ quân thấy thế cười, nói: “Pháp bảo này của ta có thể dùng tám vạn sáu ngàn lần, hiện tại đã dùng tám vạn bốn ngàn lần; do đó những người được phân thân bởi Pháp khí của ta tất phải có trách nhiệm lớn khi hạ thế; con trước đây đã được ta phân năm mươi lần, nhưng quên hết rồi!” Nói xong cười ầm lên, tiếng cười rất có lực xuyên thấu.

Phân Thần Sứ quân đưa hai “tôi” từ thiên điện đi ra. Chuyển Sinh Thần quân nói với ông “Thật vất vả quá”, sau đó đem hai “tôi” đến “Chuyển sinh điện”. Để hai chúng tôi đợi đằng sau điện, ông tự mình tiến vào căn phòng ghi “Phân thân chuyển sinh”, mau chóng cầm hai cuốn vở ra và nói: “Hai con xem nhanh cuộc đời của mình đi”. Hai cuốn vở bay đến, hai chúng tôi đỡ lấy, rồi bắt đầu xem cuộc đời của từng người. Xem xong, hai chúng tôi đối diện với nhau, thấy rằng hai vai diễn này đều thật khổ. Thần nói: “Khổ là tốt, Thần muốn có khổ mà chịu cũng không được; hai người hạ thế lần này, trách nhiệm trọng đại, nhất định phải hoàn thành sứ mệnh cho tốt. Nguyên thần hai người hoàn thành sứ mệnh xong thì lại hợp nhất, tương lai đến khi Phật Chủ truyền Pháp thì lại dùng ngòi bút chứng thực Pháp, đến lúc thì những ký ức niêm phong sẽ được đả khai”.

Sau khi xem xong kịch bản cuộc đời được an bài, hai chúng tôi bắt đầu biến hóa của từng người, đi theo quỹ đạo sinh mệnh bắt đầu từ trên thiên thượng.

Trong đó một “tôi” được Chuyển Sinh Thần quân đưa tới “Thần bút điện”, tại đây tôi nhìn thấy một Thần bút. Thần bút mặc một bộ y phục rộng, trên y phục là các loại văn tự và phù hiệu; y phục không ngừng biến hóa màu sắc, phù hiệu và văn tự cũng tùy theo màu sắc y phục mà biến hóa theo. Trong trạng thái công năng, tôi nhìn hiểu được những phù hiệu và văn tự này. Kỳ thực những phù hiệu ấy cũng là văn tự, chẳng qua là một loại chữ tượng hình cổ xưa, trông qua cứ tưởng phù hiệu. Những văn tự này là đối ứng với văn tự trên mặt đất, nhưng biểu hiện không giống nhau, thậm chí mỗi chữ viết lại có nhiều hình thức biểu hiện khác nhau.

Trên đầu Thần bút trang trí những thứ như đầu bút lông, cái mở cái khép; sau lưng Thần bút đeo một ống đựng bút chứa đủ loại bút khác nhau. Bên trong Thần bút điện, đâu đâu cũng đều là bút. Thần bút đưa tôi đến một hộp “Bút phân thân” và lấy ra một chiếc bút đưa cho tôi. Tôi cầm lấy và thấy trên thân bút viết mấy chữ—”Bút chấn động”. Sau đó, Chuyển Sinh Thần quân đưa tôi đằng vân về phía Tây, đến một nơi, và giao tôi cho một thần linh áo trắng (hình tượng Thần Tây phương, sau lưng là đôi cánh dài). Thần linh áo trắng vén mây ra hai bên và chỉ một nơi trên mặt đất, nói: “Con chuyển sinh tại nơi đây”. Tôi nhìn kỹ, chỉ thấy mình chìm xuống dưới chân, hạ xuống dưới mây, chuyển sinh ra đi.

Nơi mà Thần chỉ ấy tên gọi là “Đan Mạch”, “tôi” này sau đó đã trở thành niềm tự hào của Đan Mạch, một cái tên vang dội—Andersen (nhà văn chuyên viết truyện cổ tích cho thiếu nhi).

Còn một “tôi” khác, cùng lúc với “tôi” ở trên, cũng được đưa đến hộp “Bút phân thân” trong Thần bút điện; ở đó tôi thấy hộp “Bút thân tộc”, trong đó có ba cây bút buộc vào nhau với chữ ghi “Bút chị em”. Thần bút lấy từ trong đó một cây bút đưa cho tôi, trên thân bút viết “Bút kiên cường”. Sau khi nhận bút, “tôi” cũng chuyển sinh đi. Còn lại “Bút hoang mang” và “Bút thơ ca” vẫn ở tại nơi ấy.

“Tôi” này chuyển sinh tới Anh quốc, sau đó trở thành một nhà văn lừng danh, chính là tác giả tiểu thuyết “Jane Eyre”—Charlotte Brontë (là chị cả trong 3 chị em nổi tiếng Brontë, tác giả của những tiểu thuyết xếp vào hàng kinh điển của văn học Anh).

Trong lịch sử phân thân chuyển sinh của tôi, lần này còn được tính là đơn giản. Hiện giờ tôi mới biết, lần phân thân chuyển sinh tối đa của tôi chính là vào triều Minh ở Trung Quốc, đồng thời chuyển sinh qua năm nhân vật. Nói ra thì rất phức tạp. Nếu sau này có thời gian, tôi nhất định sẽ kể lại tường tận câu chuyện này cho mọi người.

Có đồng tu trong bài văn từng đề cập đến “Tháp bút Lung linh”, thực ra tất cả bút thần mà chúng ta ngày nay dùng để viết bài chứng thực Pháp đều là Sư phụ giao phó cho. Trong lịch sử, bút thần chứng thực Pháp này không biết đã trải qua bao nhiêu lần luyện rèn của Thần, hoàn thành không biết bao nhiêu sứ mệnh mà Thần giao phó, trong lịch sử đã lưu lại biết bao nhiêu văn hóa phong phú cho nhân loại!

Khi viết bài chứng thực Pháp ngày nay, tôi thấy Sư tôn ban cho tôi một cây bút thần, tên nó là “Bút từ Thần”. Ở không gian khác, nó thể hiện là vàng kim lóng lánh, ngòi bút cũng bằng vàng. Khi viết văn, bút thần trong tay giúp tôi viết lưu loát, đằng sau mỗi chữ đều tỏa ánh hào quang. Trên mỗi đường bút là một bông hoa, mỗi bông hoa có năm cánh, liên tục đổi màu: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím, hữu sắc, vô sắc. Bông hoa chuyển động không ngừng, tỏa sáng rực rỡ. Xin cho phép tôi dùng cụm từ “diệu bút sinh hoa” để mô tả, thực ra còn hơn thế nhiều lần.

Đóa hoa chuyển động không ngừng phát phóng ánh hào quang nhu hòa, dịu mắt. Khi tả đến một đoạn nào đó trào phúng, tôi buồn cười không nhịn được thì bút thần cũng gập người cười theo; tả đến việc khiến người ta than thở thì bút thần cũng than vãn theo. Có lúc, tôi có tâm chấp trước mà tìm không thấy; khi thỉnh bút thần giúp đỡ, bút thần xuất hiện, nhưng không nói gì mà chạy đi rất mau.

Cây bút thần này và tâm tính của tôi là liên thông; trạng thái tốt, nhân tâm ít, tâm tư thuần chính thì khi viết văn, bút thần như ý, hạ bút thành văn, quỷ chấn thần kinh; bút thần cũng không ngừng phát sinh biến hóa, màu sắc ngày càng thuần chính và trong suốt.

Giờ đây, với bút thần trong tay, nếu như chúng ta không thể hoàn thành sứ mệnh trợ Sư Chính Pháp, phụ lòng kỳ vọng của Sư tôn, thì toàn bộ con đường gian nan dài đằng đẵng trong lịch sử của chúng ta chẳng phải thật uổng công hay sao?

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2011/7/5/75710.html


 

Subscribe to our Newsletter

Contact our Support

Email us: Support@templateism.com

Our Team Memebers